Khám phá chùa Quan Âm quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh từ A - Z
Thời gian xuất bản: Chủ nhật, 25/02/2024, 11:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ hai, 26/02/2024, 08:35 (+07:00)
1. Giới thiệu chùa Quan Âm Thành phố Hồ Chí Minh
1.1 Địa chỉ chùa Quan Âm quận 5 ở đâu?
1.2 Đường đi đến chùa Quan Âm Hội Quán Ôn Lăng
1.3 Thời gian mở cửa và giá vé vào cửa
1.4 Lịch sử chùa Quan Âm
1.5 Chùa Quan Âm thờ ai?
2. Tham quan gì ở chùa Quan Âm quận 5?
2.1 Khám phá ngôi chùa 300 năm tuổi
2.2 Kiến trúc đậm dấu ấn Trung Hoa
2.3 Phong tục "đánh kẻ tiểu nhân" độc đáo
3. Hình ảnh chùa Quan Âm Hội Quán Ôn Lăng
Tổng kết
Chùa Quan Âm quận 5 vốn là ngôi chùa có tuổi đời hàng trăm năm và là nơi lưu giữ biết bao giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Vậy địa điểm du lịch tâm linh này có điều gì độc đáo? Hãy cùng Bestme khám phá chi tiết từ A - Z nhé!
1. Giới thiệu chùa Quan Âm Thành phố Hồ Chí Minh
Cùng Bestme khám phá ngôi chùa cổ kính và linh thiêng của người Việt gốc Hoa tọa lạc ngay tại trung tâm Sài Gòn.
1.1 Địa chỉ chùa Quan Âm quận 5 ở đâu?
Chùa Quan Âm tọa lạc tại số 12 Lão Tử, phường 11, quận 5, TP HCM. Nơi đây cách chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập và Bảo tàng Nghệ thuật thành phố khoảng 5km.
1.2 Đường đi đến chùa Quan Âm Hội Quán Ôn Lăng
Bạn có thể đến Hội Quán Ôn Lăng bằng nhiều phương tiện như ô tô, xe máy hoặc xe buýt. Đường đi cụ thể như sau:
- Ô tô, xe máy: Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ, bạn đi theo đường Nguyễn Thị Minh Khai rồi rẽ vào đường Hùng Vương để đến Hồng Bàng. Sau đó, bạn rẽ trái ở ngã tư Châu Văn Liêm rồi tiếp tục rẽ trái vào đường Lão Tử là đến.
- Xe buýt: Các tuyến xe buýt số 1, 11, 27, 34, 38, 45, 50, 65, 93 hoặc 139 sẽ giúp bạn di chuyển đến chùa nhanh chóng.
1.3 Thời gian mở cửa và giá vé vào cửa
Chùa Quan Âm mở cửa miễn phí cho du khách và phật tử đến tham quan, cúng bái từ 6h15 - 17h hàng ngày.
1.4 Lịch sử chùa Quan Âm
Nằm trên con đường nhỏ Lão Tử, Hội Quán Ôn Lăng vốn là điểm đến linh thiêng của cộng đồng người Hoa hiện đang sinh sống tại TP HCM. Đây là công trình tâm linh do nhóm các thương nhân người Phước Kiến (Trung Quốc) di cư đến Việt Nam lập nên vào năm 1740.
Ban đầu, đây là nơi tề tựu giúp đỡ nhau và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Do diễn ra các hoạt động thờ cúng nên người dân xung quanh thường gọi đây là chùa.
Năm Mậu Tý 1828, Đổng sự hiệu Thái Nguyên Hưng đã quyên góp một vạn quan tiền để trùng tu hội quán. Các đợt trùng tu sau được tiến hành vào năm 1867, 1897, 1993, 1995. Đến nay, dù trải qua 237 năm, ngôi chùa có diện mạo vô cùng cổ kính, đậm dấu ấn văn hóa phật giáo trung hoa.
1.5 Chùa Quan Âm thờ ai?
Do được thành lập bởi cộng đồng người Phước Kiến, nơi đây thờ chính là Thiên Hậu Thánh Mẫu để phù hộ cho những người đi sông nước và làm ăn xa được thuận lợi. Sau này, Hoa kiều ở khu chợ lớn đã thờ thêm Quan Thế Âm Bồ Tát để cầu buôn may bán đắt, bình an, và thịnh vượng.
Ngoài ra, chùa còn thờ khoảng 16 vị thần tiên theo tín ngưỡng Trung Hoa cùng nhiều vị thần dân gian khác như Tề Thiên Đại Thánh, Bao Công, Văn Xương Đế Quân, 18 vị La Hán, Địa mẫu Nương Nương, Thiên Phụ Gia gia…
2. Tham quan gì ở chùa Quan Âm quận 5?
Cùng Bestme tham quan ngôi chùa độc đáo nhất quận 5 này nhé!
2.1 Khám phá ngôi chùa 300 năm tuổi
Chùa Quan Âm được xây dựng vào năm 1740, tính đến nay, ngôi cổ tự này đã gần 300 năm tuổi và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.
Sau nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ vẹn nguyên lối kiến trúc theo phong cách Trung Hoa cổ điển có đặc trưng là mái ngói đỏ, cột gỗ trắng, tường vây bằng gạch và nhiều họa tiết trang trí tinh xảo.
2.2 Kiến trúc đậm dấu ấn Trung Hoa
- Kiến trúc bên ngoài
Chùa Quan Âm được xây dựng trong khuôn viên rộng đến 1.800m2, và được thiết kế theo kiểu miếu cổ của Trung Hoa. Toàn bộ khung chịu lực của Hội quán được dựng từ gỗ, còn mái thì lợp ngói ống, phần chân mái được xây theo kiến trúc của vùng Phúc Kiến với bờ nóc uốn cong, gắn các mô hình bằng gốm.
Mặt bằng tổng thể của Hội quán Ôn Lăng sẽ có gian nhà hình chữ nhật ở giữa, được gọi là tiền điện, trung điện và chính điện. Bên cạnh đó còn có ba dãy nhà khác xếp vuông góc với nhau, tạo thành cấu trúc hình chữ U.
- Kiến trúc bên trong
Phía bên trong chùa là sự phối hợp vô cùng độc đáo từ nghệ thuật điêu khắc, trang trí đến hội họa. Các bức tượng thờ ở đây được tô màu và trang trí với tạo hình giống với chùa bà Thiên Hậu.
Đặc biệt, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp trước thần thái các vị thánh nhờ vào bàn tay của nghệ nhân khắc họa chi tiết từng nét mặt và dáng vẻ.
Chùa Quan Âm lưu trữ các bức phù điêu gỗ được sơn son thếp vàng để tạo vẻ lộng lẫy. Khắp nơi trong chùa là những bức chạm nổi các linh vật như long, lân, quy, phụng cùng các điển tích Trung Hoa.
Chùa còn sở hữu nhiều tác phẩm điêu khắc đặc sắc từ năm 1869 như cặp sư tử đá chầu cửa, trong đó, con sư tử bên trái miệng ngậm hạt châu còn con bên phải đang chơi đùa với sư tử con.
- Kiến trúc mái chùa
Mái chùa Quan Âm được lợp ngói ống có màu đỏ. Ở phần chân mái mang đậm phong cách kiến trúc của vùng Phúc Kiến với bờ nóc uốn cong và gắn nhiều mô hình có họa tiết bằng gốm tinh xảo. Kỹ thuật chạm nổi này chắc chắn sẽ khiến du khách phải choáng ngợp khi đặt chân tới nơi này.
2.3 Phong tục "đánh kẻ tiểu nhân" độc đáo
Chùa Quan Âm có rất nhiều phong tục lễ bái độc đáo, thú vị, trong đó nổi tiếng nhất là tục “đánh kẻ tiểu nhân”.
Người đến lễ bái sẽ dùng giày dép để đập liên tục vào hình nhân bằng giấy dưới đất tượng trưng cho những kẻ tiểu nhân chuyên đi hại người khác. Đây là số ít ngôi chùa người Hoa trong nước giữ được tập tục đánh kẻ tiểu nhân.
Tục này sẽ diễn ra vào ngày Kinh trập, khoảng ngày 5, 6 tháng 3 Dương lịch ngay trước bàn thờ Ông Hổ.
3. Hình ảnh chùa Quan Âm Hội Quán Ôn Lăng
Cùng khám phá thêm những hình ảnh đặc sắc về một Hội Quán vô cùng độc đáo, ấn tượng này nhé!
✔️✔️✔️Bài viết cùng chủ đề: Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn
Tổng kết
Trên đây, Bestme đã cùng bạn Khám phá chùa Quan Âm quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh từ A - Z. Hy vọng qua bài viết sẽ giúp bạn biết thêm về một ngôi chùa độc đáo, đậm giá trị văn hóa để chuyến đi khai xuân đầu năm thêm phần ý nghĩa nhé!
Đừng quên theo dõi Bestme để không bỏ lỡ nhiều thông tin hữu ích khác!