Văn khấn hóa vàng Thần Tài ngày Tết vía thần tài 10/1
Thời gian xuất bản: Thứ hai, 08/01/2024, 20:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ năm, 11/01/2024, 11:57 (+07:00)
1. Ngày vía Thần Tài là gì?
2. Gợi ý văn khấn hóa vàng thần tài ngày Tết vía Thần Tài
3. Chuẩn bị mâm cúng ngày vía Thần Tài
4. Một số hoạt động khác của ngày vía Thần Tài
Tổng kết
Thờ cúng Thần Tài là một trong những tín ngưỡng của người dân Việt Nam với mong muốn công việc làm ăn suôn sẻ, thuận lợi. Vào ngày 10/1 âm lịch hàng năm, nhiều gia đình chuẩn bị lễ cúng Thần Tài cầu mong một năm làm việc thành công, bội thu. Vậy văn khấn hóa vàng Thần Tài ngày Tết chuẩn như thế nào? Mâm cúng gồm những gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây của Bestme để hiểu hơn nhé!
1. Ngày vía Thần Tài là gì?
Ngày vía Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người dân sẽ dâng lễ cúng vị Thần Tài để được phù hộ độ trì giúp công việc làm ăn thuận lợi, buôn may bán đắt và cùng gia chủ đồng hành trên con đường thăng tiến. Bên cạnh đó, đây cũng là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ đến vị thần đã mang lại tài lộc cho gia chủ suốt một năm vừa qua.
Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc và bắt đầu du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX. Có rất nhiều câu chuyện khác nhau về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện về vị Thần Tài lỡ chân rớt xuống trần gian sau một lần uống rượu say và bị mất trí nhớ. Ông sống lang thang và đi xin ăn sống qua ngày.
May thay, ông gặp một chủ quán tốt bụng và được mời vào ăn. Điều kỳ lạ chính là khi ông bước vào quán thì quán lúc nào cũng đông khách nên chủ quán đã giữ ông ở lại với hy vọng việc làm ăn buôn bán thuận lợi.
Sau đó, ông lấy lại trí nhớ và quay trở về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày 10 tháng 1 âm lịch là ngày vía Thần Tài. Cứ tới ngày ngày, mọi người sẽ chuẩn bị lễ vật để cúng Thần Tài cầu tài lộc, may mắn và tiền tài cho cả năm.
2. Gợi ý văn khấn hóa vàng thần tài ngày Tết vía Thần Tài
Muốn hóa vàng ban Thần Tài, bạn chỉ cần đọc bài văn cúng như thường rồi sau đó đọc câu khấn xin hóa lễ. Văn khấn hóa vàng Thần Tài ngày Tết thường được dùng nhất:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là:....
Ngụ tại:....
Hôm nay là ngày mùng 10 tháng Giêng năm ...
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Đợi hết tuần hương, gia chủ chuyển sang phần hóa vàng mã. Trước khi hạ lễ, gia chủ vái 3 vái rồi vừa hạ lễ từ ban thờ xuống để mang đi đốt vừa khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân,… thỉnh tôn thần nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới". Sau đó, gia chủ đem tiền vàng, đồ mã đi đốt ở góc sân, góc vườn hoặc nơi hóa vàng theo quy định.
3. Chuẩn bị mâm cúng ngày vía Thần Tài
Mâm cúng Thần Tài khá đơn giản, không cần quá cầu kỳ, gồm các lễ vật sau:
- Đèn, nến, hương, nhang.
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối.
- 1 mâm ngũ quả, 1 lọ hoa tươi.
- 5 chén nước.
- 1 bộ tam sên với 3 món gồm 300g thịt lợn luộc hoặc quay, 3 quả trứng luộc và 3 con tôm hoặc cua luộc.
- Tiền vàng, vàng mã.
Ngoài ra, mâm cúng ngày vía Thần Tài còn có thêm khay vàng giấy, 2 bát hương, 5 củ tỏi, xôi chè và bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên. Ở miền Nam, đa số người dân đều thờ chung Thần Tài với Thổ Địa nên lễ vật cúng còn có cá lóc nướng ở bàn thờ.
4. Một số hoạt động khác của ngày vía Thần Tài
Ngoài chuẩn bị mâm cúng và đọc văn khấn hóa vàng Thần Tài năm mới, mọi người còn có nhiều hoạt động khác vào ngày vía Thần Tài như:
- Lau dọn ban thờ Thần Tài: Lau chùi ban thờ sạch sẽ thể hiện sự thành tâm của gia chủ.
- Đi mua vàng: Vào ngày vía Thần Tài, người Việt thường có thói quen đi mua vàng lấy may để cầu mong một năm thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh, đắc tài, đắc lộc.
- Mua đồ phong thủy: Không chỉ mua vàng, nhiều người lựa chọn mua đồ phong thủy bởi có quan niệm cho rằng mua vật phẩm này vào ngày Thần Tài thì may mắn sẽ được nhân đôi.
- Tiến hành nghi lễ đón Thần Tài: Vào mùng 10 tháng Giêng, các gia chủ tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề và mở các cửa hướng Tây (cửa hướng Tài Lộc) để đón tài lộc.
Tổng kết
Trên đây là văn khấn hóa vàng Thần Tài ngày Tết và cách chuẩn bị mâm cúng, gia chủ hãy lưu lại ngay để chuẩn bị thật chỉn chu và đầy đủ cho ngày vía Thần Tài sắp tới, cầu mong cả năm công việc thuận lợi, hanh thông. Đừng quên thường xuyên đón đọc các thông tin hữu ích về lễ nghi và chăm sóc gia đình trên Bestme nhé!