Ngày 23 tháng Chạp là ngày gì? Ngày 23 tháng Chạp năm 2024 là ngày mấy dương lịch?
Thời gian xuất bản: Thứ sáu, 05/01/2024, 18:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ hai, 08/01/2024, 15:26 (+07:00)
1. Ngày 23 tháng Chạp là ngày gì?
2. Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp
2.1 Nguồn gốc của ngày 23 tháng Chạp
2.2 Ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp
3. Ngày 23 tháng Chạp năm 2024 là ngày mấy dương lịch?
4. Hướng dẫn cách cúng ngày 23 tháng Chạp hằng năm
5. Ngày 23 tháng Chạp người lao động có được nghỉ làm không?
Tổng kết
Tết ông Công ông Táo rơi vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ cúng quan trọng dịp trước Tết Nguyên Đán. Trong bài này cùng Bestem tìm hiểu chi tiết hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này nhé!
1. Ngày 23 tháng Chạp là ngày gì?
Ngày 23 tháng Chạp là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam, đánh dấu thời điểm kết thúc năm cũ và chuẩn bị đón năm mới. Đây chính là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời.
Theo truyền thuyết, ông Công, ông Táo là hai vị thần cai quản bếp núc, trông coi nhà cửa của gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình gia đình trong năm qua.
Vì vậy, vào ngày 23 tháng Chạp người Việt Nam thường chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo với đầy đủ các món ăn truyền thống, như bánh chưng, bánh tét, gà luộc,... để ông Công, ông Táo mang theo lên trời.
2. Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp
Ngày 23 tháng Chạp là ngày quan trọng trong phong tục của người Việt, tuy nhiên bạn đã biết được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày này chưa?
2.1 Nguồn gốc của ngày 23 tháng Chạp
Theo sách "Phong tục thờ cúng của người Việt", Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Truyện xưa kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa, Cao day dứt và nhớ Thị Nhi liền lên đường tìm kiếm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi đúng lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào định cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo khiến cả ba đều chết trong đám lửa.
Ngọc Hoàng cảm động trước tình nghĩa của 3 người nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Vào ngày 23 tháng Chạp là lúc Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì thế vào ngày này, các gia đình Việt sẽ thường làm mâm cơm để đưa ông Công ông Táo lên chầu trời.
2.2 Ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp
Theo quan niệm của người Việt, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Vào ngày này, các gia đình sẽ làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Đặc biệt trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước. Sau khi cúng xong sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ.
Việc chuẩn bị cá chép mang ý nghĩa chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Ngoài ra, còn có ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
3. Ngày 23 tháng Chạp năm 2024 là ngày mấy dương lịch?
Ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão 2023 - ngày đưa ông Táo về chầu trời rơi vào thứ sáu ngày 02/02/2024.
4. Hướng dẫn cách cúng ngày 23 tháng Chạp hằng năm
Cúng ngày 23 tháng Chạp hằng năm được coi là dịp quan trọng, bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây:
- Mâm cúng ông Táo
Quan niệm dân gian xưa cho rằng, đồ lễ cúng ông Công, ông Táo thông thường chỉ cần các loại bánh, kẹo và nước trà với mong muốn các ông có thể "ngọt giọng", nói những điều hay, điều tốt trình báo lên Ngọc Hoàng.
Ngoài ra, tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, canh măng,…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc,…) để tiễn Táo quân.
Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống bao gồm các món cơ bản như:
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối.
- 1 con gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay).
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng.
- 1 đĩa xào thập cẩm.
- 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông.
- 1 đĩa xôi gấc.
- 1 đĩa chè kho.
- Cá chép, vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
- Cách cúng đưa ông Táo về trời
Bạn thắp 3 nén hương (hoặc 5, 7, 9 nén tùy ý, nhưng nhìn chung là số lẻ), sau đó, bạn vái ba vái và khấn bài cúng ông Công ông Táo. Sau khi hương tàn 2/3 thì bạn xin phép hạ lễ hoá vàng. Sở dĩ cần đợi hương tàn hết 2/3 là bởi có quan niệm cho rằng nếu hương còn thì hoá vàng mới giúp các ông Táo nhận được.
5. Ngày 23 tháng Chạp người lao động có được nghỉ làm không?
Theo quy định chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 23 tháng Chạp không phải là ngày nghỉ lễ lớn toàn quốc, người lao động sẽ không được nghỉ làm.
Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp công bố lịch nghỉ Tết Âm lịch 2024 khác nhau, một số doanh nghiệp có những phúc lợi riêng sẽ cho nhân viên nghỉ nửa ngày hoặc cả ngày hôm đó. Ngoài ra, một số trường đại học đã cho học sinh nghỉ tết từ ngày 23 tháng chạp âm lịch.
Tổng kết
Trên đây, Bestme đã giải thích cho bạn nguồn gốc, ý nghĩa cũng như cách cúng ngày 23 tháng Chạp đúng chuẩn nhất. Hy vọng những thông tin tham khảo này hữu ích đối với bạn. Đồng thời, đừng quên theo dõi Bestme mỗi ngày để không bỏ lỡ những bài viết hay mới nhất nhé!