Các thành phần nào trong dưỡng da mà da nhạy cảm cần tránh?
Thời gian xuất bản: Thứ sáu, 17/05/2019, 10:08 (+07:00)
Bạn thử một sản phẩm mới được mọi người đánh giá cao về chất lượng? Và thật bất ngờ, sáng hôm sau thức giấc, da bị kích ứng, mẩn đỏ và khó chịu? Nhất là các nàng sở hữu làn da nhạy cảm khó chiều. Để tránh được những hiện tượng “break-out” không mong muốn, chúng ta hãy cùng Bestme lưu ý các thành phần dưới đây nhé.
1. Alcohol (Cồn)
Không phải ngẫu nhiên mà những sản phẩm có “alcohol-free”, nghĩa là không chứa cồn, rất được phái đẹp ưa chuộng. Bởi lẽ hầu hết các loại Alcohol luôn là thành phần rất dễ gây nổi mụn và kích ứng. Đặc biệt da nhạy cảm còn có thể bị dị ứng kéo dài. Lý do là vì, Alcohol làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, làm tăng sản xuất dầu, bã nhờn và da chết, khiến làn da trở nên khó chiều hơn hẳn.
Cồn có hại và cồn có lợi cho da cần cẩn thận để phân biệt (Ảnh: Bedauplace.com)
Những loại Alcohol gây hại cho da như: Alcohol denat, Ethyl alcohol, Isoprophil alcohol. Bên cạnh đó cũng có những loại Alcohol như: Lauryl, Cetyl, Stearyl, Cetearyl, Oleyl alcohol lại hoàn toàn không gây hại cho da. Những thành phần trên được ghi rất rõ ở bảng thành phần được in phía ngoài bao bì. Vì vậy, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi mua bất kì một sản phẩm chứa cồn nào.
Alcohol không hoàn toàn xấu. Không phải tự nhiên Alcohol được đưa vào các sản phẩm làm đẹp đâu. Chỉ bởi vì nó có quá nhiều nhóm có các tác dụng khác nhau. Nên các nàng cũng đừng quá “dị ứng” với bất cứ chữ “alcohol” nào nhé.
2. Dầu dừa/Dầu olive dạng thô
Từ lâu, chúng ta đã bị nhầm tưởng dầu dừa/dầu olive có công dụng dưỡng ẩm hoàn hảo cho da và tóc. Nó gần như đã từng là một trào lưu vì nguyên liệu vừa dễ tìm lại có mức giá vô cùng hợp lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng ở dạng thô, lại mang đến hậu quả vô cùng nặng nề, rất khó sửa chữa.
Dầu dừa dạng thô gây ra rất nhiều hiểu lầm (Ảnh: Bloganchoi.com)
Bản thân dầu dừa có chứa chất nhờn cao, gây bít tắc lỗ chân lông. Khi da nhạy cảm tiếp xúc với dầu dừa có thể gây ngứa, nổi mề đay, khó chịu. Bởi vậy, tốt nhất nên hạn chế sử dụng dầu dừa chăm sóc da.
Chúng ta chỉ nên sử dụng dầu dừa/ dầu olive chỉ khi kết hợp với các thành phần khác tạo nên sản phẩm dễ dàng hấp thụ với làn da. Ngoài ra, không nên quá lạm dụng trong bất kỳ quy trình dưỡng da nào.
3. Hương liệu
Hương liệu sử dụng trong mỹ phẩm (Ảnh: Baomoi.com)
Hương liệu sử dụng trong mỹ phẩm đã không còn quá xa lạ với giới làm đẹp chúng ta. Tuy nhiên, hương liệu là những tác nhân tiềm tàng gây dị ứng hoặc kích thích đối với da. Đối với các nàng yêu thích mùi hương mà không may sở hữu làn da nhạy cảm, có thể tìm kiếm các sản phẩm có hương thơm tự nhiên.
Một lưu ý nho nhỏ cho các nàng hay sử dụng nước hoa, là tránh không được để nước hoa tiếp xúc với da. Vì trong nước hoa, ngoài hương liệu để tạo mùi, còn có chứa cồn để giúp bay hơi và khuyếch tán mùi. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với da sẽ rất dễ khiến da bị kích ứng. Tóc cũng bị vướng tình trạng tương tự. Có rất nhiều nàng xịt trực tiếp nước hoa lên tóc để tạo độ tỏa hương mong muốn. Tuy nhiên, việc này lâu ngày lại khiến tóc trở nên khô, cứng, dễ gãy rụng.
4. Isoprophyl Myristate
Isopropyl Myristate luôn là con dao hai lưỡi mà ít ai biết (Ảnh: Mysticmomentsuk.com)
Isoprophyl Myristate là thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da có công dụng như một chất làm mềm da. Loại chất này tuy giúp da giảm bớt dầu, nhưng lỗ chân lông lại bị bịt kín, dễ gây kích ứng da, gây mụn.
Chính vì sự đặc trưng của thành phần, mà bạn cần phải lưu ý khi đọc bảng thành phần được in ngoài bao bì. Những thành phần sử dụng được in theo liều lượng giảm dần, nên nếu thấy thành phần Isoprophyl Myristate ở gần cuối bảng thành phần, chúng ta có thể hiểu đó là sản phẩm an toàn với da nhạy cảm nhé.
Câu chuyện về da nhạy cảm luôn khiến chị em chúng ta rất đau đầu. Tuy nhiên, chỉ cần biết một chút về bảng thành phần, thì loại da này cũng không quá khó chiều phải không? Hãy luôn có những quyết định thông minh để có một làn da khỏe mạnh nhé.