Keo dán móng tay giả có hại không? Cách dán móng tay giả không cần keo
Thời gian xuất bản: Thứ hai, 04/09/2023, 11:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ ba, 05/09/2023, 14:29 (+07:00)
1. Keo dán móng tay giả là gì?
2. Keo dán móng tay giả có hại không?
3. Cách dán móng tay giả không cần keo
3.1 Dán móng tay giả bằng keo 2 mặt
3.2 Dán móng tay giả bằng keo sữa và sơn nền
3.3 Dán móng tay giả bằng sơn móng trong suốt
4. Dán móng tay giả bằng keo 502 được không?
Tổng kết
Dán móng tay giả là sự lựa chọn lý tưởng dành cho những bạn muốn thay đổi nhiều mẫu móng trong thời gian ngắn nhưng không thích sơn thường xuyên. Vậy keo dán móng tay giả có hại không? Làm cách nào để dán móng giả mà không cần dùng keo?
Bài viết dưới đây, Bestme sẽ chia sẻ cho bạn tất tần tật thông tin liên quan để giải đáp các câu hỏi này. Cùng tham khảo nhé!
1. Keo dán móng tay giả là gì?
Giống như tên gọi, keo dán móng tay giả là các sản phẩm tạo sự kết dính giữa móng giả và móng thật. Chúng thường có dạng lỏng tương tự như nước sơn top hoặc sơn base. Ngoài ra, hiện còn có thêm keo 2 mặt dán móng tay giả hoặc móng có lớp keo sẵn bên trong.
Loại keo dán được sử dụng nhiều nhất tại các tiệm làm nail là keo nước bởi chúng dễ khô nhanh và vô cùng chắc chắn. Thành phần chính của keo dán móng tay giả nước gồm hexamethylene, acetone, carboxylated,... cùng với một số chất hóa học khác tùy vào hãng sản xuất.
2. Keo dán móng tay giả có hại không?
Keo dán móng tay giả có hại cho móng không? Nhiều người cho rằng việc sử dụng móng giả, không trực tiếp sơn lên móng thật giúp hạn chế các tác hại tới móng tay. Tuy nhiên, thực tế, các loại keo dán móng giả không hoàn toàn an toàn cho người sử dụng.
Theo nghiên cứu của Cơ quan giám sát độc chất Liên minh EcoWaste chỉ ra rằng, keo dán móng tay giả có thể ảnh hưởng xấu tới độ chắc khỏe của móng bởi các chất kết dính chứa trong keo. Cùng với đó, một vài thành phần trong keo dán móng như toluene, dibutyl phthalate, hexamethylene,... cũng có thể gây hại đến sức khỏe sinh sản ở nữ giới, làm tăng nguy cơ sảy thai và nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường.
Chính vì thế, bạn nên bảo vệ bản thân bằng cách hạn chế dùng các sản phẩm keo dán móng tay giả. Đồng thời, nên lựa chọn những loại keo dán móng chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ và thành phần rõ ràng. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai và cho con bú hay bị dị ứng với các thành phần trong keo, nhất định không nên sử dụng sản phẩm này.
3. Cách dán móng tay giả không cần keo
Cách dán móng tay giả bằng keo được nhiều người lựa chọn bởi tính nhanh gọn, tiện lợi. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng keo dán móng tay giả không an toàn cho sức khỏe thì có thể chọn một trong những cách làm móng dưới đây để hạn chế hóa chất gây hại móng:
3.1 Dán móng tay giả bằng keo 2 mặt
Đầu tiên chính là cách sử dụng keo 2 mặt để dán móng giả vừa dễ thực hiện, dễ tháo gỡ vừa không gây hại cho móng. Chỉ với bài bước đơn giản, bạn sẽ có ngay một bộ móng lung linh, an toàn và có thể tái sử dụng được nhiều lần mà không cần lo về độ bám dính.
Cách dán móng tay giả bằng keo 2 mặt gồm các bước sau:
- Bước 1: Ướm thử keo 2 mặt lên móng và cắt thành miếng nhỏ theo đúng kích thước móng.
- Bước 2: Làm sạch móng tay bằng nước ấm cùng xà bông và lau khô bằng khăn mềm. Sau đó, vệ sinh móng lại lần nữa bằng dung dịch tẩy sơn móng không chứa acetone.
- Bước 3: Dán miếng keo 2 mặt vừa cắt lên các móng sao cho phù hợp rồi úp móng giả lên móng thật và dùng tay cố định vài giây để keo và móng dịch chặt với nhau.
3.2 Dán móng tay giả bằng keo sữa và sơn nền
Chắc hẳn keo sữa và sơn nền không còn quá xa lạ với các chị em đang muốn tìm một loại gel dán móng úp vừa an toàn vừa chất lượng. Cách thực hiện gồm các bước sau:
- Bước 1: Làm sạch móng bằng cồn hoặc dung dịch tẩy móng nếu có lớp sơn cũ. Còn không chỉ cần rửa qua bằng nước rửa tay, xà bông hoặc nước ấm. Sau đó, lau khô và dùng bình xịt ẩm phun lên từng móng.
- Bước 2: Quét trực tiếp sơn nền vào móng thật rồi nhanh chóng sơn keo sữa lên đều móng tay trước khi sơn nền khô lại.
- Bước 3: Úp móng giả lên vừa khớp với từng móng thật, ấn mạnh và giữ khoảng 30-60 giây cho móng dính chắc. Lưu ý, không để móng giả trượt qua trượt lại gây ảnh hưởng đến độ dính của keo.
- Bước 4: Dán lần lượt từng móng một vào tay và để móng dưới máy hơ khoảng 5 phút cho khô keo. Bạn nên chú ý không để móng tay va chạm với bất cứ thứ gì, kể cả nước để đảm bảo độ bền.
3.3 Dán móng tay giả bằng sơn móng trong suốt
Sơn trong suốt có chức năng tạo độ bóng cho móng cực tốt. Bạn nên lựa chọn và sử dụng những loại sơn có thêm thành phần dưỡng để bảo vệ móng và đồng thời không chứa các chất độc hại. Tuy nhiên, cách này không sử dụng được lâu vì độ bám dính thấp nên chỉ thích hợp với các cô nàng muốn thường xuyên thay đổi móng.
Các dán móng tay giả bằng sơn móng trong suốt gồm các bước:
- Bước 1: Ngâm móng tay với dung dịch tẩy móng không chứa acetone hoặc rửa tay bằng xà bông, nước rửa tay rồi lau khô móng.
- Bước 2: Quét một lớp sơn móng trong suốt vừa đủ vào mặt dưới móng giả. Bạn nên chú ý không lấy quá nhiều tránh sơn tràn ra kẽ móng khi tiến hành dán.
- Bước 3: Đợi khoảng 15-30 giây cho đến khi lớp sơn đã hơi khô dần, ở trạng thái hơi dính thì nhanh chóng dán móng giả lên móng thật rồi giữ chắc 30- 60 giây để cố định chắc chắn.
4. Dán móng tay giả bằng keo 502 được không?
Có nên dán móng tay giả bằng keo 502 không? Câu trả lời cho các chị em là không nên. Bởi phương pháp này sẽ gây hại và làm tổn thương móng tay của bạn. Mặc dù loại keo này có độ dính cao, chống nước tốt, giá thành rẻ nhưng móng tay và vùng da xung quanh móng khá mỏng, dễ bị bỏng khi tiếp xúc trực tiếp với keo 502.
Ngoài ra, dán móng bằng keo 502 rất khó điều chỉnh vì tốc độ khô rất nhanh. Nếu không may bị dán lệch, muốn gỡ móng ra thì bạn phải dùng các vật dụng sắc nhọn để cậy móng. Điều này khiến tróc lớp màng bảo vệ móng, thậm chí có thể gây bung móng thật.
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ thông tin về keo dán móng tay giả, hi vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các tác hại cũng như cách dán móng tay giả không cần keo. Đừng quên theo dõi Bestme để nắm bắt tin tức mới nhất về sức khỏe và làm đẹp nhé!