Da nhạy cảm là gì? Cách nhận biết và chăm sóc hiệu quả nhất
Thời gian xuất bản: Thứ năm, 29/08/2024, 13:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ ba, 22/10/2024, 17:26 (+07:00)
1. Da nhạy cảm là gì?
2. Da nhạy cảm là da như thế nào? Cách nhận biết da nhạy cảm
3. Nguyên nhân gây tình trạng da nhạy cảm
3.1 Bệnh viêm da tiếp xúc
3.2 Da bị dị ứng
3.3 Bệnh Rosacea
3.4 Mụn trứng cá
3.5 Da khô
3.6 Bệnh Photodermatoses
3.7 Bệnh tế bào Mast
3.8 Mề đay vật lý
3.9 Chàm
3.10 Nguyên nhân khác
4. Da nhạy cảm nên làm gì?
4.1 Điều trị y tế
4.2 Cách chăm sóc và phòng ngừa tại nhà
Tổng kết
Làn da nhạy cảm sở hữu nhiều đặc điểm khiến cho chị em phụ nữ rất vất vả trong quá trình chăm sóc da hàng ngày bởi nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến kích ứng da. Trong bài viết này, hãy cùng Bestme tìm hiểu xem da nhạy cảm là gì, cách nhận biết cũng như chăm sóc làn da khó chiều này sao cho hiệu quả nhất nhé!
1. Da nhạy cảm là gì?
Da nhạy cảm hay sensitive skin trong tiếng Anh là thuật ngữ thông thường được dùng để mô tả làn da có khả năng chịu đựng kém với việc sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Trong một cuộc khảo sát được tiến hành tại Vương quốc Anh, có đến 51,4% phụ nữ và 38,2% nam giới coi mình là người mang gen da nhạy cảm. Các nghiên cứu khác ở Châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy tỷ lệ tương tự. [1]
2. Da nhạy cảm là da như thế nào? Cách nhận biết da nhạy cảm
Da nhạy cảm là tình trạng da liễu khá phổ biến với các biểu hiện và cách nhận biết khác nhau như:
- Da mặt nhạy cảm thường dễ bị đỏ hoặc nổi mẩn khi tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài như thời tiết, mỹ phẩm, hoặc thậm chí là cọ xát nhẹ.
- Người có da nhạy cảm thường cảm thấy ngứa ngáy, nóng rát khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mới hoặc khi tiếp xúc với môi trường thay đổi.
- Làn da quá nhạy cảm thường có xu hướng khô, mất độ ẩm nhanh, dẫn đến tình trạng bong tróc và nứt nẻ.
- Một số người có thể phản ứng ngay lập tức với các sản phẩm chăm sóc da, dẫn đến tình trạng sưng tấy, đỏ, hoặc mụn nước.
- Da quá nhạy cảm dễ bị cháy nắng và có xu hướng phát ban, nổi mẩn khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không được bảo vệ, che chắn.
Các triệu chứng này có thể xảy ra trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với sản phẩm mỹ phẩm/chất kích thích từ môi trường gây ra cảm giác khó chịu.
Do đó, những người sở hữu loại da này nên cẩn trọng khi thử các sản phẩm chăm sóc da mới hoặc trong những ngày thời tiết chuyển mùa.
3. Nguyên nhân gây tình trạng da nhạy cảm
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng da nhạy cảm, và việc tìm ra nguyên nhân chính xác sẽ giúp chúng ta có được biện pháp chăm sóc da phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến: [3]
3.1 Bệnh viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng, dẫn đến viêm, đỏ, ngứa và đôi khi là phồng rộp. Có hai loại viêm da tiếp xúc:
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Do tiếp xúc với hóa chất hoặc các yếu tố vật lý gây hại cho da.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Xảy ra khi da phản ứng với chất gây dị ứng, như nước hoa, chất bảo quản, hoặc kim loại.
3.2 Da bị dị ứng
Dị ứng da là phản ứng của hệ miễn dịch với các chất gây dị ứng, như phấn hoa, thực phẩm, hoặc lông động vật,... có thể dẫn đến tình trạng da ngứa, đỏ và nổi mẩn.
3.3 Bệnh Rosacea
Rosacea là một trong những bệnh về da gây ra mẩn đỏ và sưng ở mặt và cổ. Theo nghiên cứu những người có làn da trắng và có tiền sử gia đình mắc bệnh này có nguy cơ mắc cao hơn. [4]
3.4 Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến, đặc biệt là ở tuổi dậy thì, nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Da nhạy cảm có thể là nguyên nhân hoặc kết quả của việc bị mụn trứng cá, vì da dễ bị kích ứng bởi các sản phẩm chăm sóc da và môi trường.
3.5 Da khô
Da khô mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ, dẫn đến tình trạng mất nước và khả năng bảo vệ da bị suy giảm. Điều này khiến da trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố bên ngoài như thời tiết và sản phẩm chăm sóc da.
3.6 Bệnh Photodermatoses
Photodermatoses là nhóm bệnh về da gây ra do phản ứng quá mức của da với ánh sáng mặt trời. Ở những người mắc tình trạng này, hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với ánh sáng mặt trời, gây phát ban và phồng rộp trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. [5]
3.7 Bệnh tế bào Mast
Bệnh tăng sinh tế bào mast ở da là một tình trạng da hiếm gặp khiến các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào mast tích tụ trong da. Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn.
Tế bào mast giải phóng histamin gây ra ngứa, đỏ, và nổi mẩn khi da tiếp xúc với các yếu tố kích thích. [6]
3.8 Mề đay vật lý
Mề đay vật lý là tình trạng nổi mẩn đỏ trên da do các yếu tố vật lý như áp lực, nhiệt độ, hoặc ánh sáng mặt trời. Những người có da quá nhạy cảm có thể dễ dàng bị kích ứng và phát triển tình trạng mề đay khi tiếp xúc với những yếu tố này.
3.9 Chàm
Chàm là một bệnh da mãn tính, gây ra tình trạng ngứa, đỏ, và khô da. Da nhạy cảm thường đi kèm với chàm da mặt, khiến da dễ bị kích ứng và viêm nhiễm khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc các yếu tố kích thích.
3.10 Nguyên nhân khác
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn có thể gây ra tình trạng da nhạy cảm bao gồm:
- Một số người có da quá nhạy cảm do di truyền, bẩm sinh đã dễ bị kích ứng hơn so với người khác.
- Thay đổi về hormone trong chu kỳ kinh nguyệt
- Da lão hoá, bị mất đi độ ẩm khiến da dần trở nên khô và nứt nẻ
- Điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp,..
- Ô nhiễm môi trường, hút thuốc, hoặc sử dụng mỹ phẩm chứa hoá chất mạnh,...
4. Da nhạy cảm nên làm gì?
Tuỳ thuộc vào tình trạng da của mỗi người sẽ có cách để khắc phục khác nhau. Dưới đây là một số cách cho bạn tham khảo: [7]
4.1 Điều trị y tế
Điều đầu tiên cần làm là bạn cần đi thăm khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán tình trạng cụ thể. Các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị khác nhau dựa trên nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến là:
- Sử dụng thuốc bôi: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi như corticosteroid hoặc các loại kem chống viêm không chứa steroid để giảm triệu chứng viêm, đỏ và ngứa.
- Thuốc kháng histamin: Nếu da nhạy cảm do dị ứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin để kiểm soát các triệu chứng ngứa và nổi mẩn.
4.2 Cách chăm sóc và phòng ngừa tại nhà
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chăm sóc da và phòng ngừa tại nhà với các cách sau:
* Dưỡng ẩm da
Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, giúp làm giảm tình trạng khô da mà không gây kích ứng. Bạn cũng có thể sử dụng một số loại dầu tự nhiên như bơ hạt mỡ hoặc dầu dừa để dưỡng ẩm cho da.
* Sử dụng yến mạch
Yến mạch cũng là thành phần dưỡng da từ tự nhiên đặc biệt hữu ích với những người có làn da nhạy cảm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thoa bột yến mạch dạng gel lên da có thể làm giảm các triệu chứng như phát ban, khô da,...
* Lưu ý chăm sóc da khác
Ngoài những cách trên, bạn cũng có thể áp dụng một số cách sau để làm giảm các triệu chứng của da nhạy cảm:
- Tắm nhanh dưới vòi sen hoặc bồn tắm trong khoảng 10 phút trở lại
- Tránh tắm/rửa tay bằng nước quá nóng
- Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, dịu nhẹ. Tránh sử dụng nước hoa, chất tẩy rửa, mỹ phẩm có chứa hương liệu
- Tránh sử dụng các chất tẩy rửa hoá học có tính tẩy mạnh
- Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm dưỡng da mới nào, nên thử nghiệm trên một vùng da nhỏ để kiểm tra dị ứng trước khi thoa lên các vùng da rộng hơn.
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ thông tin về da nhạy cảm cũng như các dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa cho bạn tham khảo. Hy vọng rằng, những thông tin chia sẻ trên đây đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng da khó chiều này để có thể tự tin chăm sóc làn da này đúng cách, mang lại làn da khỏe mạnh, rạng rỡ.
Tiếp tục theo dõi và đồng hành cùng Bestme để không bỏ lỡ những tips làm đẹp và chăm sóc sức khỏe thú vị mỗi ngày nhé!
Thông tin tham khảo:
[1] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5595600/
[2] Taieb C, Auges M, Georgescu V, Perez Cullell N, Miséry L. Da nhạy cảm ở Brazil và Nga: một phương pháp tiếp cận dịch tễ học và so sánh. Eur J Dermatol. 2014; 24 :372–376. [ PubMed ] [ Google Scholar ]
[4] https://www.aad.org/public/diseases/rosacea/what-is/causes
[5] https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jdv.18772
[6] https://doi.org/10.5114%2Fada.2018.77605
[7] https://www.medicalnewstoday.com/articles/sensitive-skin#treatment