Bệnh tiểu đường ở trẻ em có chữa được không?
Thời gian xuất bản: Thứ tư, 06/10/2021, 09:42 (+07:00)
Có rất nhiều người lầm tưởng rằng bệnh tiểu đường chỉ xảy ra ở người trưởng thành, đặc biệt là người lớn tuổi. Tuy nhiên, trẻ em cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh khó chữa này. Vậy bệnh tiểu đường ở trẻ em có chữa được không và có ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, cùng Bestme tìm hiểu ngay nhé!
1. Trẻ em có bị tiểu đường không?
Trẻ em vẫn có thể bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 1. Tình trạng này là do tuyến tụy của trẻ tạo ra ít hoặc không có insulin. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ rối loạn tự miễn dịch, dẫn đến hệ thống phòng thủ của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào tạo ra insulin.
Vì các biểu hiện của bệnh tiểu đường type 1 ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tầm soát bệnh để có những biện pháp phòng ngừa biến chứng kịp thời. Trong khi đó, trẻ em béo phì hoặc rối loạn huyết áp từ 10 tuổi trở lên thường mắc phải bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Trẻ em có thể bị bệnh tiểu đường
2. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh tiểu đường ở trẻ em
Nguyên nhân
Do di truyền trong gia đình: Trẻ em có cha mẹ hoặc anh chị em bị tiểu đường sẽ có tỷ lệ nguy cơ mắc tiểu đường type 1 khoảng 10 - 20%.
Trẻ em bị béo phì hoặc có những rối loạn huyết áp (tăng huyết áp), rối loạn mỡ máu có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt trẻ từ 10 tuổi.
Trẻ em bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Triệu chứng
Thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều
Đây là triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường trẻ em. Khi mắc bệnh, trẻ em rất nhanh có cảm giác khát, uống nhiều nước và liên tục đi tiểu. Nguyên nhân do đường tích tụ quá nhiều trong máu khiến thận phải làm việc ở cường độ cao để hấp thụ hết lượng đường bị dư thừa. Việc đi tiểu nhiều khiến cơ thể trẻ dễ bị mất nước nên sẽ thường xuyên khát nước.
Nhanh cảm thấy đói
Sự thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong các mô giảm mạnh và gây thiếu hụt năng lượng. Điều này giải thích vì sao trẻ mắc bệnh tiểu đường nhanh có cảm thấy đói cồn cào.
Thường xuyên mệt mỏi, uể oải
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi này. Trong số đó có thể lý giải rằng việc tiểu tiện liên tục khiến các tế bào bị cạn kiệt nguồn năng lượng, không đủ để đáp ứng cho các hoạt động của cơ thể.
Sút cân bất thường
Dù bệnh tiểu đường khiến trẻ sẽ ăn nhiều hơn bình thường để làm dịu cảm giác đói, tuy nhiên các mô lại không nhận được năng lượng từ đường trong thức ăn. Lúc này, các mô bắt buộc phải lấy năng lượng từ mô mỡ đã được tích lũy trước đó dẫn đến sụt cân bất thường.
Triệu chứng khác
Ngoài ra, khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn có thể dẫn đến các triệu chứng như co giật, hôn mê, thở nhanh, nhiễm trùng…
3. Bệnh tiểu đường ở trẻ em có chữa được không?
Cho đến thời điểm hiện tại, y học chưa tìm ra cách điều trị triệt để bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ. Đối với tiểu đường tuýp 2, đây là căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên có đến 70% cơ hội chữa trị được bệnh nếu can thiệp kịp thời vào giai đoạn đầu của bệnh.
4. Bệnh tiểu đường ở trẻ em có nguy hiểm không? Biến chứng thường gặp
Tiểu đường ở trẻ em được đánh giá là căn bệnh khá nguy hiểm. Biến chứng đái tháo đường dễ gặp nhất là trẻ bị nhiễm toan ceton (là một trạng thái thiếu hụt Insulin tương đối hoặc trầm trọng). Khi nhiễm toan ceton, trẻ thường bị mất nước, dẫn đến những cơn khát liên tục, người mệt mỏi, lừ đừ.
Tiểu đường ở trẻ em là căn bệnh khá nguy hiểm và có thể dẫn đến nhiều biến chứng
Bên cạnh đó, trẻ có thể bị biến chứng liên quan đến thận, tim, mắt và thần kinh ngoại vi. Trầm trọng hơn, có thể dẫn đến hôn mê nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
5. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em
Để phòng ngừa tiểu đường ở trẻ em, phụ huynh nên tập cho bé chế độ ăn uống khoa học. Có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày vì nếu ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Trẻ nên hạn chế đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh…
Hơn nữa, khi trẻ đã ăn nhiều bánh kẹo nhiều thì ngày hôm đó nên giảm cơm cũng như các thức ăn giàu tinh bột. Bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ các thực phẩm giàu chất xơ như rau cần, bông cải, rau muống… cùng trái cây ít ngọt như bưởi, táo, dâu tây…
Chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa tiểu đường ở trẻ em
Đặc biệt, phụ huynh cần kiểm tra sức khỏe tổng quát cho trẻ định kỳ sáu tháng một lần và lưu ý các xét nghiệm về đường huyết (lượng đường có trong máu) hay trong nước tiểu (thử đường nước tiểu).
Song song đó, hãy để trẻ làm quen với việc vận động hoặc hướng trẻ vào một môn thể thao mà trẻ yêu thích.
Tổng kết
Tiểu đường đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa khiến ngay cả những trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh tiểu đường ở trẻ em là là căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của các con. Do đó, phụ huynh nên chủ động tầm soát bệnh cho trẻ và cho trẻ quen dần với lối sống khoa học từ sớm nhé!