14 thực phẩm lợi sữa sau sinh mổ và sinh thường tốt nhất
Thời gian xuất bản: Thứ tư, 21/08/2024, 17:26 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ ba, 15/10/2024, 22:42 (+07:00)
1. Thực phẩm ảnh hưởng đến nguồn sữa của mẹ sau sinh như thế nào?
2. Những thực phẩm lợi sữa sau sinh mổ và sinh thường
2.1 Thực phẩm giàu protein
2.2 Thực phẩm họ đậu
2.3 Khoai mỡ, củ cải đường và cà rốt
2.4 Ngũ cốc nguyên hạt
2.5 Rau lá xanh đậm
2.6 Cá giàu chất béo lành mạnh
2.7 Bí đỏ
2.8 Cây thì là
2.9 Cỏ cà ri
2.10 Quả mơ và quả chà là
2.11 Hạt vừng
2.12 Đu đủ xanh
2.13 Sữa chua
2.14 Quả hạch
3. Lưu ý gì khi ăn những thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh?
Tổng kết
Chất lượng của sữa mẹ là nhân tố quyết định khả năng phát triển của con. Bài viết dưới đây của Bestme là danh sách các thực phẩm lợi sữa, giúp nâng cao chất lượng sữa mẹ cho bé phát triển khỏe mạnh. Cùng đọc nhé!
1. Thực phẩm ảnh hưởng đến nguồn sữa của mẹ sau sinh như thế nào?
Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được thực phẩm có tác dụng đối với nguồn sữa mẹ. Do đó, Học viện Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) cảnh báo không nên dựa vào một số loại thực phẩm cụ thể để cải thiện nguồn sữa. [1]
Tuy nhiên, dựa trên trải nghiệm thực tế, một số chị em phụ nữ lại thấy các thực phẩm đó hữu ích với nguồn sữa. Thực tế, các loại thực phẩm được đánh giá là lợi sữa lại phù hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh và được các bà mẹ cho con bú gợi ý cho nhau.
Vậy nên, bạn có thể đưa các thực phẩm lành mạnh đó vào chế độ ăn uống khoa học sau sinh của mình. Nhưng, hãy coi chúng là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể, chứ không phải là thực phẩm chính mà bạn cần dung nạp để tạo ra nhiều sữa hơn.
2. Những thực phẩm lợi sữa sau sinh mổ và sinh thường
Hãy cùng xem ngay 14 siêu thực phẩm lợi sữa cho mẹ đang cho con bú có thể dễ dàng thêm vào thực đơn ăn uống mỗi ngày.
2.1 Thực phẩm giàu protein
Protein rất cần thiết cho việc sản xuất sữa mẹ nên phụ nữ đang cho con bú cần bổ sung 25g protein mỗi ngày [2]. Một số thực phẩm giàu protein mà mẹ có thể bổ sung như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt cừu, trứng, đậu phụ,...
2.2 Thực phẩm họ đậu
Các loại thực phẩm họ đậu cũng là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Chúng cũng chứa nhiều khoáng chất và phytochemical tự nhiên.
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, các nghiên cứu về chất phytochemical đã chỉ ra rằng chúng có thể kích thích hệ thống miễn dịch, ngăn chặn các chất xấu có thể gây ung thư có trong cơ thể, ngăn ngừa tổn thương và hỗ trợ sửa chữa DNA và giúp điều hòa hormone. [3]
Một số thực phẩm họ đậu bao gồm: đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đỏ, đậu tây.
2.3 Khoai mỡ, củ cải đường và cà rốt
Đây là 3 loại thực phẩm tiêu biểu cho nguồn vitamin A dồi dào. Beta carotene trong 3 loại củ có màu này rất quan trọng đối với việc sản xuất sữa mẹ [9]. Khoai mỡ, củ cải đường và cà rốt còn có thêm lợi ích là cung cấp sắt và khoáng chất.
2.4 Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt đều chứa carbohydrate phức hợp giúp bạn no lâu hơn, không bị hụt năng lượng như khi hấp thụ thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế. Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp vitamin B, khoáng chất và chất xơ quan trọng có thể giúp sản xuất sữa mẹ.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt bao gồm: Yến mạch, gạo lứt, lúa mì nguyên hạt, hạt kiều mạch, hạt quinoa, hạt diêm mạch.
2.5 Rau lá xanh đậm
Rau lá xanh đậm là nguồn cung cấp chất xơ, enzyme, vitamin và khoáng chất quan trọng vô cùng tuyệt vời cho mẹ đang cho con bú. Các loại rau này cũng cung cấp chất phytoestrogen có thể hỗ trợ quá trình tiết sữa cho mẹ sau sinh. [4]
Các loại rau lá xanh đậm bao gồm: Cải xoăn, rau chân vịt, cải Thụy Sỹ, cải xanh.
2.6 Cá giàu chất béo lành mạnh
Cá là một nguồn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh và nguồn protein dồi dào. Tuy nhiên, một số loại cá lại chứa hàm lượng thủy ngân cao, không tốt cho mẹ đang cho con bú. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao cần tránh bao gồm: cá mú cam, cá cờ, cá ngừ mắt to, cá kiếm, cá thu vua.
Thay vào đó, bạn chỉ nên ăn các loại cá như cá hồi và cá mòi. Đây là nguồn cung cấp axit béo omega-3, vitamin D, vitamin B12, DHA rất quan trọng cho cả mẹ và bé.
2.7 Bí đỏ
Bí đỏ chứa nhiều vitamin A, vitamin C, chất xơ, và các khoáng chất như kali và sắt, những dưỡng chất này rất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé.
Tuy chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh [5] nhưng bí đỏ thường được khuyến nghị cho các bà mẹ sau sinh, đặc biệt trong việc cải thiện chất lượng và số lượng sữa mẹ.
2.8 Cây thì là
Theo các bằng chứng khoa học cụ thể thì có rất ít tài liệu nghiên cứu về tác dụng lợi sữa của cây thì là. Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, thì là và hạt thì là được cho rằng có thể giúp kích thích tăng lượng sữa mẹ nhờ chứa tinh dầu anethole. [6]
2.9 Cỏ cà ri
Cỏ cà ri là một trong những loại thảo dược tăng tiết sữa phổ biến nhất trong y học dân gian. Loại thảo dược này có chứa phytoestrogen - một chất có thể giúp kích thích sản xuất sữa.
2.10 Quả mơ và quả chà là
Ăn mơ và chà là có thể làm tăng prolactin, đây là hormone ra lệnh cho cơ thể bạn sản xuất sữa. Mơ chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ, vitamin A, vitamin C và kali. Còn chà là rất giàu canxi, nhiều chất xơ tốt cho cơ thể mẹ đang cho con bú.
⚡⚡⚡Xem nhiều hơn: Những trái cây tốt cho mẹ sau sinh
2.11 Hạt vừng
Hạt vừng (hay còn gọi là hạt mè) giàu chất dinh dưỡng, bao gồm protein, canxi, sắt, magiê, và các axit béo lành mạnh. Đây đều là những chất quan trọng giúp cải thiện sức khỏe của mẹ sau sinh và có thể hỗ trợ sản xuất sữa.
2.12 Đu đủ xanh
Đu đủ xanh chứa nhiều vitamin A, C, E, canxi, kali, và enzyme papain. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu trực tiếp về lợi ích này của đu đủ xanh nhưng đây là một loại thực phẩm được khuyến khích sử dụng trong y học dân gian nhờ các dưỡng chất và enzyme có trong nó. [7]
2.13 Sữa chua
Sữa chua là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, vitamin D và probiotics (vi khuẩn có lợi cho đường ruột). Tuy không có nhiều nghiên cứu trực tiếp về việc sữa chua có thể tăng cường sản xuất sữa mẹ nhưng đây một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và có thể giúp duy trì việc sản xuất sữa.
2.14 Quả hạch
Các loại quả hạch như hạt điều, quả óc chó, hạt mắc ca, hạnh nhân, quả hồ trăn chứa nhiều chất béo lành mạnh và chất chống oxy hóa. Các chất này cũng được cho là có tác dụng hỗ trợ sản xuất sữa mẹ.
3. Lưu ý gì khi ăn những thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh?
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm lợi sữa sau sinh, bạn cũng cần lưu ý đến một số điều sau đây để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé [8]:
- Uống đủ nước: Nước là yếu tố quan trọng trong việc sản xuất sữa mẹ. Uống đủ nước giúp duy trì lượng sữa và giúp cơ thể hấp thụ và chuyển hóa các dưỡng chất từ thực phẩm.
- Ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng: Đảm bảo chế độ ăn uống cung cấp đủ dưỡng chất như protein, chất béo lành mạnh, carbohydrate, vitamin và khoáng chất. Không nên chỉ tập trung vào các thực phẩm lợi sữa mà bỏ qua các nhóm thực phẩm khác.
- Nạp nhiều calo hơn so với khi mang thai: Khi cho con bú, bạn cần nạp thêm khoảng 300 đến 500 calo mỗi ngày so với lượng calo bạn cần trước khi mang thai.
- Chế biến thực phẩm hợp lý: Các thực phẩm sống như thịt, trứng, cá cần được nấu chín hoàn toàn. Ưu tiên các món hấp, luộc, nướng và xào nhẹ để giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất trong thực phẩm.
⚠️⚠️⚠️Bạn đọc cũng quan tâm: Đẻ mổ kiêng ăn gì
Tổng kết
Hầu hết, các loại thực phẩm lợi sữa đều chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học trực tiếp chứng minh. Tuy nhiên, mẹ đang cho con bú có thể đưa các thực phẩm này vào thực đơn mỗi ngày vì đây đều là nguồn dưỡng chất tốt cho cả mẹ và bé.
Để có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe sau sinh, hãy thường xuyên ghé thăm website của Bestme bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
[2] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5104202/
[3] https://www.aicr.org/cancer-prevention/food-facts/dry-beans-and-peas-legumes/
[4] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10831895/
[5] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28609178/
[6] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK501793/
[7] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK501881/
[8] https://www.webmd.com/parenting/baby/ss/slideshow-increase-milk-supply