Vitamin A: Giá trị sức khỏe và tác dụng phụ
Thời gian xuất bản: Thứ tư, 02/08/2023, 16:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ tư, 09/08/2023, 14:25 (+07:00)
1. Giới thiệu về vitamin A
1.1 Vitamin A là gì?
1.2 Các dạng vitamin A
1.3 Các dẫn xuất của vitamin A
2. Liều lượng vitamin A được khuyến nghị
3. Tác dụng của vitamin A đối với sức khỏe
3.1 Chất chống oxy hóa mạnh
3.2 Cần thiết cho sức khỏe của mắt
3.3 Tăng cường hệ thống miễn dịch
3.4 Cần thiết cho khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi
3.5 Có thể ngăn ngừa bệnh ung thư
4. Thiếu vitamin A
4.1 Các đối tượng dễ bị thiếu vitamin A
4.2 Thiếu vitamin A gây ra tình trạng gì?
5. Tác dụng phụ khi thừa vitamin A
6. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A
Tổng kết
Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên bạn đã biết rõ về giá trị sức khỏe cũng như những tác dụng phụ không mong muốn của loại vitamin này chưa? Trong bài viết này, hãy cùng Bestme tìm hiểu những điều đó nhé!
1. Giới thiệu về vitamin A
1.1 Vitamin A là gì?
Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, có công thức hóa học là C20H30O. Vitamin A không tồn tại dưới dạng một hợp chất duy nhất mà tồn tại dưới một vài dạng.
Vitamin A tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dưới dạng retinol, còn trong thực vật lại ở dưới dạng caroten (tiền vitamin A). Những thực phẩm như: gan, bơ, sữa, pho mát, lòng đỏ trứng, rau cải xanh, bí ngô, cà rốt,... cung cấp nguồn vitamin A an toàn, lành tính và rất tốt cho sức khỏe.
Vitamin A đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, sức khỏe thị lực, khả năng sinh sản và sự phát triển khỏe mạnh của bào thai.
1.2 Các dạng vitamin A
Có hai dạng vitamin A được tìm thấy trong thực phẩm:
- Vitamin A đã chuyển hóa: Là retinol và retinyl ester. Dạng này chỉ xuất hiện trong các sản phẩm động vật, chẳng hạn như sữa, gan và cá.
- Tiền chất vitamin A: Hay còn gọi là beta-caroten. Dạng tiền chất này có nhiều trong thực phẩm thực vật như trái cây, rau và dầu thực vật.
Để sử dụng chúng, cơ thể bạn phải chuyển đổi cả hai dạng vitamin A này thành retinal và acid retinoic - các dạng hoạt động của vitamin thì cơ thể mới hấp thụ được.
Vì vitamin A tan trong chất béo nên nó được lưu trữ trong mô cơ thể để sử dụng sau. Hầu hết, các vitamin A trong cơ thể được giữ trong gan dưới dạng este retinyl.
1.3 Các dẫn xuất của vitamin A
Dẫn xuất vitamin A dùng trong các sản phẩm chăm sóc và làm đẹp da có tên gọi chung là retinoid. Chúng đã được phát hiện và công bố vào năm 1971 với tên gọi ban đầu là retin-A. Nhóm dẫn xuất này đã được kiểm duyệt bởi FDA về khả năng xử lý các vấn đề trên da.
Retin-A hay retinoid được sử dụng rộng rãi vào mục đích hỗ trợ điều trị mụn, ngừa lão hóa và mang lại làn da căng mịn. Dẫn xuất này thường được điều chế dưới hai dạng thoa ngoài da và uống.
Dẫn xuất vitamin A (retinoids) tồn tại dưới 3 dạng chính trong tự nhiên gồm:
- Vitamin A gốc rượu retinol.
- Vitamin A acid retinoic.
- Gốc aldehyde retinal.
Cơ chế hoạt động của retinoid là tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng và phát triển của tế bào da. Chúng thúc đẩy làn da tự tái tạo, tẩy đi lớp da chết trên bề mặt và thay thế bằng các tế bào mới. Tuy nhiên, nếu dùng retinoid với nồng độ quá cao có thể gây bong tróc và khô da, vì vậy cần dùng với liều lượng hợp lý.
Ngoài ra, retinoid còn phát triển theo 4 thế hệ:
- Thế hệ I: Retinol, Retinal, Isotretinoin, Alitretinoin, Tretinoin (Retinoic Acid).
- Thế hệ II: Etretinate và Acitretin.
- Thế hệ III: Adapalene, Tazarotene, Bexarotene.
- Thế hệ IV: Retinoid gốc từ Pyranones (Seletinoid G).
2. Liều lượng vitamin A được khuyến nghị
Xác định nhu cầu vitamin A hàng ngày phụ thuộc độ tuổi, mức độ cung cấp qua chế độ ăn uống được khuyến nghị đối với vitamin A:
Liều lượng vitamin A cho trẻ em
- Trẻ sơ sinh 6 tháng: 400 mcg/ngày
- Trẻ từ 7 đến 12 tháng: 500 mcg/ngày
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 300 mcg/ngày
- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi: 400 mcg/ngày
- Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 600 mcg/ngày
- Trẻ từ 14-18 tuổi: 900 mcg/ngày.
Liều lượng vitamin A cho người lớn
- Nam giới: 900 mcg/ngày
- Phụ nữ: 700 mcg/ngày
- Phụ nữ mang thai: 770 mcg/ngày.
- Phụ nữ đang cho con bú: 1.300 mcg/ ngày.
Mức hấp thụ trên mà cơ thể có thể chấp nhận được (UL*) đối với vitamin A là 10.000 IU (3.000 mcg) mỗi ngày đối với người lớn. Chỉ số UL này được tính cho dạng retinol của vitamin A và không bao gồm các carotenoid - tiền vitamin A.
* UL là mức hấp thụ cao nhất có khả năng không gây ra các tác động có hại.
3. Tác dụng của vitamin A đối với sức khỏe
Vitamin A giúp duy trì thị lực khỏe mạnh, đảm bảo chức năng của hệ thống miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Dưới đây, là những tác dụng cụ thể của vitamin A đối với sức khỏe:
3.1 Chất chống oxy hóa mạnh
Beta caroten còn được gọi là provitamin A carotenoid, là tiền chất để tổng hợp vitamin A và có tính oxy hóa mạnh mẽ. Carotenoid bảo vệ cơ thể bạn khỏi các gốc tự do - các phân tử có thể gây hại cho cơ thể, liên quan đến các tình trạng bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh tim và suy giảm nhận thức.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn uống đầy đủ vitamin A có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh như bệnh tim, ung thư phổi và tiểu đường
3.2 Cần thiết cho sức khỏe của mắt
Ăn uống đầy đủ vitamin A giúp bảo vệ khỏi một số bệnh về mắt, chẳng hạn như thoái hóa vàng da liên quan đến tuổi tác (AMD). Các nghiên cứu cho thấy chỉ số beta carotene, alpha carotene và beta cryptozantin trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ AMD của bạn lên tới 25%[1].
Sự giảm nguy cơ này có liên quan đến việc các chất dinh dưỡng carotenoid bảo vệ mô mạch vành bằng cách làm giảm mức độ căng thẳng oxy hóa.
3.3 Tăng cường hệ thống miễn dịch
Vitamin A tác động đến sức khỏe miễn dịch bằng cách kích thích các phản ứng bảo vệ cơ thể bạn khỏi bệnh tật và nhiễm trùng. Đồng thời, vitamin A cũng tham gia vào việc tạo ra một số tế bào nhất định, bao gồm tế bào B và tế bào T, đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch phòng ngừa bệnh tật.
Theo Trung tâm Y tế Hoa Kỳ: “Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này dẫn đến tăng mức độ phân tử kháng viêm làm giảm phản ứng và chức năng của hệ miễn dịch”[2].
3.4 Cần thiết cho khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi
Vitamin A rất cần thiết cho cả nam và nữ vì nó đóng vai trò trong sự phát triển của tinh trùng và trứng. Đồng thời, vitamin A cũng rất quan trọng đối với sức khỏe nhau thai giúp phát triển và duy trì mô bào thai.
Đặc biệt, đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú thì việc bổ sung đầy đủ vitamin A là tối quan trọng.
3.5 Có thể ngăn ngừa bệnh ung thư
Do đặc tính chống oxy hóa, trái cây và rau quả giàu carotenoid có thể bảo vệ cơ thể khỏi một số loại ung thư nhất định.
Một nghiên cứu ở hơn 10.000 người trưởng thành cho thấy những người hút thuốc có nồng độ alpha carotene và beta cryptozantin lần lượt là 46% và 61%. Nhóm người này có nguy cơ tử vong do ung thư phổi thấp hơn so với những người không hút thuốc[3].
Hơn nữa, các nghiên cứu ống nghiệm cho thấy retinoid có thể ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư nhất định, chẳng hạn như các tế bào ung thư bàng quang, vú và buồng trứng.
4. Thiếu vitamin A
Khi lượng vitamin A dự trữ hết và lượng vitamin A nạp vào từ thức ăn không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin.
4.1 Các đối tượng dễ bị thiếu vitamin A
Đối tượng dễ dẫn tới thiếu vitamin A là những người có khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A, mắc bệnh nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng và trẻ em suy dinh dưỡng,...
- Khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A
Khi cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A thì toàn bộ vitamin A có được là do thức ăn cung cấp. Nếu bữa ăn của bạn chỉ có những loại thức ăn “nghèo nàn” vitamin A và thiếu chất béo sẽ làm giảm khả năng hấp thu vitamin A của cơ thể.
Đối với trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng. Vì vậy trẻ không được bú mẹ rất dễ dẫn đến thiếu vitamin A.
- Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng
Những bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp,... gây thiếu hoặc mất vitamin A do nhu cầu vitamin A trong cơ thể lúc này tăng cao nhằm bảo vệ trước tác nhân gây bệnh. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột thường gặp nhất là giun đũa làm giảm khả năng hấp thu vitamin A.
- Trẻ suy dinh dưỡng
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có kèm theo thiếu vitamin A. Bởi vì thiếu protein sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, nếu thiếu một số vi chất như kẽm cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.
4.2 Thiếu vitamin A gây ra tình trạng gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) thiếu vitamin A là nguyên nhân chính gây quáng gà của trẻ em toàn cầu. Đồng thời, khi cơ thể thiếu hụt vitamin A còn là nguyên nhân gây ra nhiều tình trạng khác. Chẳng hạn:
- Suy giảm khả năng miễn dịch: Tình trạng thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, tiêu chảy, bệnh về đường hô hấp,..
- Chậm lớn: Trẻ nhỏ thiếu vitamin A thường kém ăn, chậm lớn, sức khỏe kém. Tình trạng thiếu vitamin A kéo dài còn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ sau này.
- Ảnh hưởng tới thị giác: Khi cơ thể thiếu hụt vitamin A, người bệnh có triệu chứng quáng gà, không nhìn rõ khi trời tối. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới mù vĩnh viễn.
- Các vấn đề về da: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo các tế bào da và kháng viêm. Do đó, sự thiếu hụt vitamin A có thể gây viêm da, ngứa da, khô da, bệnh chàm da, mụn trứng cá,...
- Ảnh hưởng xấu tới khả năng sinh sản: Cả nam và nữ khi không được cung cấp đủ vitamin A đều có thể gặp phải những vấn đề về khả năng sinh sản. Bên cạnh đó, khi mang thai, nếu người mẹ không được bổ sung đầy đủ vitamin A thì có thể dẫn tới nguy cơ sảy thai hoặc trẻ bị dị tật.
5. Tác dụng phụ khi thừa vitamin A
Theo báo cáo của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm gửi Ủy ban tư vấn Khoa học về Dinh dưỡng Hoa Kỳ chỉ ra, những người thường xuyên ăn gan động vật, các sản phẩm từ gan và chất bổ sung chứa retinol là những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao[4].
Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng việc hấp thụ trung bình hơn 1,5 mg (1.500 µg) một ngày trong nhiều năm có thể ảnh hưởng đến xương của bạn, làm cho chúng dễ gãy xương hơn khi bạn già đi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người già, nhất là phụ nữ vốn đã có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao.
Vitamin A có thể tích trữ trong cơ thể. Nếu sử dụng vitamin A với lượng lớn, hằng ngày kéo dài thì người dùng có thể gặp phải những triệu chứng ngộ độc mãn tính như sau:
- Đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi.
- Da phát ban đỏ, khô và bong vảy.
- Môi khô và nứt, rụng tóc, tăng calci máu, tăng lipid máu, hạch bạch huyết sưng to, vô kinh,...
- Viêm niêm mạc miệng, đau các xương.
- Trẻ nhỏ có thể bị tăng áp lực nội sọ, thóp phồng, đau đầu, co giật,...
- Trẻ thường bị vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Trẻ bị kìm hãm sự phát triển của xương nên chậm lớn, chậm tăng cân.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây dị dạng thai nhi (hở hàm ếch, dị dạng tim mạch, cơ, xương, hệ thần kinh trung ương,...).
6. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên và được thêm vào một số thực phẩm bổ sung, chẳng hạn như sữa và ngũ cốc. Bạn có thể nhận được lượng vitamin A khuyến nghị bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Theo trang tin điện tử Healthline [5] - trang cung cấp thông tin sức khỏe hàng đầu của Hoa Kỳ chia sẻ một số thực phẩm giàu vitamin A bạn có thể tham khảo dưới đây.
Thực phẩm có hàm lượng vitamin A (mcg RAE/1000g thực phẩm) cao nhất bao gồm:
- Lòng đỏ trứng (381 mcg)
- Lươn nướng (1140 mcg)
- Gan bò, gan gà và các sản phẩm từ gan động vật (7679 mcg)
- Cá hồi, cá thu, cá ngừ (757 mcg)
- Bơ, pho mát (819 mcg)
Thực phẩm chứa nhiều provitamin A carotenoid - tiền chất của vitamin A như beta carotene bao gồm:
- Khoai lang (709 mcg)
- Bí ngô (494 mcg)
- Cà rốt (835 mcg)
- Cải xoăn (241 mcg)
- Rau diếp (436 mcg)
- Cải bó xôi (469 mcg)
- Dưa lưới (232 mcg)
Tổng kết
Trên đây, Bestme đã giới thiệu đến bạn tổng quan về vitamin A, chức năng cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra của loại vitamin này. Hy vọng qua những chia sẻ của Bestme, bạn đã có những hiểu biết nhất định về vitamin A để cân bằng chế độ ăn uống, bổ sung hợp lý.
Ngoài ra, đừng quên theo dõi Bestme mỗi ngày để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin sức khỏe hữu ích nào nhé!
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5119484/
[2] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK567744/
[3] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4317899/
[4] https://www.gov.uk/government/publications/sacn-review-of-dietary-advice-on-vitamin-a