Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ và cách khắc phục hiệu quả
Thời gian xuất bản: Thứ sáu, 27/09/2024, 13:00 (+07:00)
Thời gian cập nhật mới nhất: Thứ sáu, 27/09/2024, 15:07 (+07:00)
1. Suy giảm nội tiết tố nữ là gì?
2. Nhận biết dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ
3. Nguyên nhân suy giảm nội tiết tố nữ
3.1 Nguyên nhân
3.2 Các yếu tố nguy cơ
4. Chẩn đoán và xét nghiệm suy giảm estrogen
5. Cách điều trị suy giảm nội tiết tố nữ
5.1 Cách khắc phục suy giảm nội tiết tố nữ từ dinh dưỡng và lối sống
5.2 Điều trị suy giảm hormone estrogen
Tổng kết
Suy giảm nội tiết tố nữ là một quá trình tự nhiên xảy ra ở phụ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Vậy làm thế nào để nhận biết và khắc phục tình trạng này? Cùng Bestme tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết này.
1. Suy giảm nội tiết tố nữ là gì?
Suy giảm nội tiết tố nữ (hay còn gọi là suy giảm hormone estrogen) là tình trạng cơ thể phụ nữ sản xuất ít hormone estrogen hơn bình thường. Hormone estrogen được tiết ra từ buồng trứng có ảnh hưởng đến nhiều chức năng sinh lý, bao gồm chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản, sự phát triển của ngực, và các đặc tính sinh dục thứ cấp.
Thông thường, nồng độ estrogen ở nữ dao động từ 50 pg/ml tới 400 pg/ml. Nếu hàm lượng này giảm xuống quá thấp sẽ ảnh hưởng đến vóc dáng, làn da, sinh lý nữ bị suy giảm.
2. Nhận biết dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ
Suy giảm nội tiết tố nữ, đặc biệt là estrogen, có thể gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể và tâm lý của phụ nữ. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến mà bạn có thể nhận biết: [1]
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi đêm
- Mất ngủ
- Vô kinh (thường xuyên mất kinh)
- Đau ngực
- Đau đầu/Đau nửa đầu nặng hơn
- Trầm cảm
- Khó tập trung
- Mệt mỏi
- Tăng cân
- Vô sinh
- Đau khi quan hệ tình dục do giảm tiết dịch âm đạo
- Loãng xương là tình trạng xương yếu đi có thể dẫn đến gãy xương
- Suy giảm phát triển tình dục và chức năng tình dục.
3. Nguyên nhân suy giảm nội tiết tố nữ
Giảm nội tiết tố nữ, đặc biệt là estrogen và progesterone, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
3.1 Nguyên nhân
Estrogen chủ yếu được sản xuất tại buồng trứng, do đó, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến buồng trứng sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất estrogen. [2]
Đối với phụ nữ trẻ, thiếu hụt estrogen có thể do:
- Tập thể dục quá mức
- Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn
- Tuyến yên hoạt động kém
- Suy buồng trứng sớm, có thể là kết quả của: Bất thường về gen, độc tố tích tụ , tình trạng tự miễn dịch, hội chứng Turner, bệnh thận mãn tính….
Ở phụ nữ trên 40 tuổi, lượng estrogen thấp có thể là dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh sắp đến. Thời kỳ chuyển tiếp này được gọi là tiền mãn kinh.
3.2 Các yếu tố nguy cơ
Ngoài các nguyên nhân kể trên, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ cũng có thể dẫn đến suy giảm nội tiết tố mà chị em cần biết:
- Tuổi tác, vì buồng trứng của bạn sản xuất ít estrogen hơn theo thời gian do đó, tuổi tác càng cao estrogen sẽ càng bị giảm đi.
- Tiền sử gia đình mắc các vấn đề về nội tiết tố, chẳng hạn như u nang buồng trứng.
- Rối loạn ăn uống, ăn kiêng quá mức.
- Tập thể dục quá mức trong thời gian dài.
- Vấn đề về tuyến yên.
- Hóa trị và xạ trị.
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
4. Chẩn đoán và xét nghiệm suy giảm estrogen
Chẩn đoán và điều trị tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe.
Nếu cảm thấy cơ thể đang gặp các triệu chứng của tình trạng giảm nội tiết tố, hãy trao đổi với bác sĩ để họ có thể đánh giá các triệu chứng của bạn và đưa ra chẩn đoán. Chẩn đoán sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo.
- Các bác sĩ sẽ tiến hành thảo luận về tiền sử sức khỏe gia đình và đánh giá các triệu chứng của bạn. Dựa trên tiền sử và kết quả khám sức khỏe, họ sẽ quyết định xem bạn có cần xét nghiệm máu hay xét nghiệm nội tiết tố nữ để chẩn đoán chính xác hay không.
- Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị thiếu estrogen, họ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hormone kích thích nang trứng và các hormone khác.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hormone tuyến yên để kiểm tra bất kỳ tình trạng bệnh lý nào ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết. Nếu có bất thường ở hormone tuyến yên, họ có thể yêu cầu chụp não theo dõi thêm.
5. Cách điều trị suy giảm nội tiết tố nữ
Điều trị suy giảm estrogen tập trung vào việc cân bằng lại hormone và cải thiện các triệu chứng do thiếu hụt estrogen. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm và nguyên nhân gây ra, các phương pháp điều trị có thể khác nhau.
5.1 Cách khắc phục suy giảm nội tiết tố nữ từ dinh dưỡng và lối sống
Để khắc phục suy giảm nội tiết tố nữ, đặc biệt là estrogen và progesterone, bạn có thể áp dụng các biện pháp từ dinh dưỡng và thay đổi lối sống. Dưới đây là những cách cải thiện tình trạng này một cách tự nhiên:
- Đặt mục tiêu có cân nặng cơ thể khỏe mạnh: Thiếu cân là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra mức hormone thấp. Hãy trao đổi với bác sĩ về những thay đổi chế độ ăn uống cần thiết để đảm bảo bạn nạp đủ lượng calo mỗi ngày.
- Tập thể dục vừa phải: Tập thể dục giúp điều hòa hormone và cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số bài tập bạn có thể tham khảo như: aerobic, yoga, pilates, bơi lội,...
- Giảm căng thẳng: Quá nhiều hormone gây căng thẳng có thể khiến các hormone điều chỉnh hệ thống sinh sản của bạn mất cân bằng. Kết hợp các kỹ thuật giảm căng thẳng vào thói quen hàng ngày của bạn sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể và cả hormone của bạn.
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể làm tăng hormone căng thẳng (cortisol), ảnh hưởng tiêu cực đến estrogen và progesterone. Do đó, bạn nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm để cơ thể hồi phục và bổ sung nội tiết tố nữ tự nhiên.
5.2 Điều trị suy giảm hormone estrogen
Liệu pháp thay thế hormone (HT) là phương pháp phổ biến để điều trị tình trạng thiếu hụt estrogen, đặc biệt trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh. HT bao gồm việc sử dụng các hormone tổng hợp như estrogen và/hoặc progesterone để tăng cường mức độ hormone trong cơ thể.
Có hai loại HT: liệu pháp estrogen đơn thuần và liệu pháp kết hợp estrogen-progesterone/progestin (EPT). Các bác sĩ thường kê đơn liều thấp nhất để kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu tác dụng phụ. [3]
Tổng kết
Qua đây, có thể thấy rằng suy giảm nội tiết tố nữ không còn là điều quá đáng lo ngại nếu chúng ta biết cách chăm sóc bản thân đúng cách. Một lối sống lành mạnh, kết hợp với chế độ ăn uống cân đối và tập luyện thường xuyên sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng.
Tiếp tục theo dõi Bestme để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị khác mỗi ngày bạn nhé!
Thông tin tham khảo:
[1] https://www.verywellhealth.com/low-estrogen-levels-4588661
[2] https://www.healthline.com/health/womens-health/low-estrogen-symptoms#causes
[3] https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22354-low-estrogen