Dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố và cách khắc phục tốt nhất
Thời gian xuất bản: Chủ nhật, 29/09/2024, 11:00 (+07:00)
1. Mất cân bằng hormone là gì?
2. Mất cân bằng nội tiết tố gây tình trạng gì?
3. Dấu hiệu và triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố
3.1 Triệu chứng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất
3.2 Dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố nữ
3.3 Triệu chứng mất cân bằng hormone sinh dục nam
4. Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể
5. Cách cân bằng nội tiết tố nữ và nam giới tự nhiên
6. Điều hòa nội tiết tố bằng liệu pháp y tế
6.1 Cách cân bằng nội tiết tố nữ
6.2 Cách cân bằng nội tiết tố nam
Tổng kết
Nội tiết tố (hormone) đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiều chức năng của cơ thể, từ tâm trạng đến quá trình trao đổi chất. Mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt, hoặc có những thay đổi bất thường về cân nặng,... Vậy làm thế nào để nhận biết và khắc phục tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Bestme nhé!
1. Mất cân bằng hormone là gì?
Hormone là các chất hóa học do các tuyến nội tiết tiết ra, tham gia vào việc điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể như chuyển hóa, sinh sản, tâm trạng và sức khỏe tổng thể.
Mất cân bằng hormone là tình trạng khi cơ thể không sản xuất hoặc điều tiết đúng lượng hormone cần thiết, dẫn đến rối loạn trong hoạt động của nhiều hệ thống cơ quan.
2. Mất cân bằng nội tiết tố gây tình trạng gì?
Mất cân bằng hormone có thể gây ra nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, trong đó có ảnh hưởng đến cả sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Dưới đây là một số tình trạng mà mất cân bằng nội tiết tố có thể gây ra: [1]
* Kinh nguyệt không đều
Mất cân bằng hormone, đặc biệt là hormone sinh dục như estrogen và progesterone, là nguyên nhân chính gây ra kinh nguyệt không đều. Điều này có thể xảy ra do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), rối loạn tuyến giáp, hoặc mãn kinh sớm.
* Vô sinh
Sự mất cân bằng của hormone có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt, từ đó ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
* Mụn trứng cá
Sự gia tăng hormone androgen có thể làm tăng sản xuất dầu trong da, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn trứng cá. Điều này thường thấy trong thời kỳ dậy thì, mang thai, hoặc trong các trường hợp PCOS.
* Mụn nội tiết
Mụn nội tiết thường xuất hiện ở vùng hàm và cằm do sự dao động hormone, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc do dùng thuốc tránh thai.
* Bệnh tiểu đường
Hormone insulin có vai trò quan trọng trong việc điều tiết đường huyết. Việc mất cân bằng hormone insulin có thể gây ra tiểu đường type 1 hoặc type 2.
* Bệnh tuyến giáp
Sự rối loạn trong việc sản xuất hormone tuyến giáp có thể dẫn đến cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và sức khỏe tổng thể.
* Béo phì
Hormone leptin và insulin đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cảm giác no và lượng đường trong máu. Khi mất cân bằng nội tiết tố, cơ thể có thể bị rối loạn chuyển hóa, dẫn đến việc tích trữ mỡ thừa và gây ra béo phì.
3. Dấu hiệu và triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố
Mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến thường gặp:
3.1 Triệu chứng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất
Sự mất cân bằng hormone gây ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Các triệu chứng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bao gồm:
- Nhịp tim chậm hoặc nhanh hơn so với bình thường
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
- Táo bón
- Tiêu chảy hoặc đi vệ sinh thường xuyên hơn
- Tê và ngứa ran ở tay
- Nồng độ cholesterol trong máu cao hơn bình thường
- Trầm cảm hoặc lo âu
- Không thể chịu được nhiệt độ lạnh hoặc nhiệt độ ấm
- Da và tóc khô, thô ráp
- Phân bố mỡ cơ thể không đều
- Da sẫm màu ở nách hoăc sau và hai bên cổ (bệnh gai đen)
- Xuất hiện các khối u nhỏ trên da
- Khát nước dữ dội và đi tiểu thường xuyên
3.2 Dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố nữ
Các hormone sinh dục nữ như estrogen, progesterone, và testosterone đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của phụ nữ. Khi nội tiết tố nữ mất cân bằng, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Mụn trứng cá ở mặt, ngực và/hoặc lưng trên
- Hormone androgen tăng cao, dẫn đến tình trạng rụng tóc.
- Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm, phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, do giảm lượng estrogen.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, kéo dài, lượng máu kinh nhiều hoặc ít bất thường.
- Giảm hứng thú với tình dục.
- Khô âm đạo, đặc biệt là ở phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh.
- Tích trữ mỡ ở vùng bụng gây tăng cân.
3.3 Triệu chứng mất cân bằng hormone sinh dục nam
Ở nam giới, testosterone là hormone chính liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục. Khi có sự mất cân bằng hormone này, có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương gây khó khăn trong việc duy trì cương dương.
- Cảm thấy mệt mỏi mãn tính và thiếu động lực.
- Tăng cân và tích mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng, do testosterone thấp có thể ảnh hưởng đến việc phân phối mỡ.
- Giảm khối lượng cơ bắp
- Tóc mỏng hoặc rụng tóc.
- Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, lo âu hoặc trầm cảm.
4. Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể
Trong suốt cuộc đời nồng độ hormone của bạn sẽ tăng và giảm một cách tự nhiên. Tuy nhiên, sẽ có một số giai đoạn nhất định trong cuộc đời gây ra những thay đổi và biến động mạnh mẽ hơn về hormone, bao gồm: Tuổi dậy thì, mang thai, thời kỳ mãn kinh.
Ngoài ra, còn có một số lý do khác khiến mức hormone của bạn có thể không đều vào những thời điểm không mong muốn. Các nguyên nhân này bao gồm: [2]
- Stress, căng thẳng kéo dài
- Sử dụng một số loại thuốc
- Sử dụng steroid
Sự mất cân bằng nội tiết tố này có thể chỉ là tạm thời hoặc có thể khắc phục bằng cách thay đổi thuốc hoặc kiểm soát căng thẳng hợp lý.
Sự mất cân bằng hormone cũng có thể đến từ các tình trạng bệnh lý khác như:
- U tuyến hoặc các khối u khác.
- Tổn thương tuyến nội tiết.
- Tình trạng tự miễn dịch.
5. Cách cân bằng nội tiết tố nữ và nam giới tự nhiên
Dưới đây là một số cách giúp cân bằng nội tiết tố tự nhiên mà bạn có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày: [3]
* Nạp đủ protein
Protein không chỉ cung cấp các axit amin thiết yếu cơ thể không tự tạo ra mà còn hỗ trợ cơ thể sản xuất các hormone có nguồn gốc từ protein được gọi là hormone peptide.
Hormone peptide đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiều quá trình sinh lý, chẳng hạn như tăng trưởng, chuyển hóa năng lượng, cảm giác thèm ăn, căng thẳng và sinh sản.
Theo khuyến nghị từ các chuyên gia, bạn nên ăn tối thiểu 15 - 30 gam protein mỗi bữa ăn và nên ăn đủ lượng protein từ các nguồn như thịt nạc, cá, trứng, đậu hạt và các loại hạt.
* Tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thể chất giúp hỗ trợ cân bằng hormone bằng cách giảm nồng độ cortisol (hormone căng thẳng) và insulin. Một số hình thức tập luyện phổ biến có lợi cho việc điều chỉnh hormone, đồng thời giảm nguy cơ mất cân bằng nội tiết liên quan đến béo phì và kháng insulin bạn có thể tham khảo như: Yoga, đi bộ, cardio hoặc nâng tạ,..
* Duy trì cân nặng ở mức vừa phải
Thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể gây ra sự thay đổi trong sản xuất hormone, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản. Do đó, bạn hãy duy trì một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
* Chú ý đến sức khỏe đường ruột
Hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng nội tiết tố, bao gồm hormone estrogen. Hãy bổ sung vào chế độ dinh dưỡng các loại thực phẩm chứa probiotic và thực phẩm giàu chất xơ giúp duy trì sức khỏe đường ruột, qua đó hỗ trợ sản xuất và chuyển hóa hormone tốt hơn.
* Giảm lượng đường nạp vào
Lượng đường cao làm tăng hormone insulin và có thể gây ra tình trạng kháng insulin, làm rối loạn cân bằng hormone sinh dục. Do đó, cần hạn chế thực phẩm có đường, đặc biệt là các loại đồ ngọt, giúp duy trì mức đường huyết ổn định và giảm nguy cơ mất cân bằng hormone.
* Ăn chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh, đặc biệt là omega-3 từ các loại cá béo (như cá hồi, cá thu), dầu ô liu, bơ và các loại hạt, giúp cơ thể sản xuất hormone một cách cân bằng. Đồng thời, chất béo lành mạnh cũng hỗ trợ trong việc giảm viêm và điều chỉnh hormone như cortisol và insulin.
* Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài làm tăng hormone cortisol, gây ra rối loạn các hormone khác như estrogen và progesterone. Thiền, yoga, hít thở sâu, và dành thời gian cho sở thích cá nhân,... là những phương pháp phổ biến có thể giúp cân bằng nội tiết tố tự nhiên mà bạn có thể tham khảo và áp dụng.
* Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hormone, đặc biệt là hormone liên quan đến trao đổi chất như ghrelin và leptin.
Thiếu ngủ có thể gây ra rối loạn hormone, làm tăng cảm giác thèm ăn, mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tốt nhất nên ngủ đủ từ 7 - 9 giờ mỗi đêm để cơ thể phục hồi và duy trì sự cân bằng hormone.
* Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ
Chất xơ giúp điều chỉnh hormone bằng cách hỗ trợ việc loại bỏ estrogen dư thừa qua hệ tiêu hóa. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám và đậu sẽ giúp cải thiện tiêu hóa và duy trì mức hormone ổn định.
* Sử dụng thực phẩm chức năng - thực phẩm bổ sung
Ngoài các phương pháp trên, bạn cũng có thể bổ sung một số thực phẩm chức năng hỗ trợ cân bằng nội tiết tố như vitamin D, magiê, omega-3, và các loại thảo mộc như maca, vitex (chasteberry),...
Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chức năng cần được tư vấn bởi chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhé!
✔️✔️✔️Tham khảo thêm: Cách bổ sung nội tiết tố nữ tự nhiên
6. Điều hòa nội tiết tố bằng liệu pháp y tế
Điều hòa nội tiết tố bằng liệu pháp y tế là một phương pháp điều trị nhằm khôi phục sự cân bằng hormone trong cơ thể. Tùy thuộc vào giới tính và loại hormone bị mất cân bằng, các biện pháp y tế có thể khác nhau.
6.1 Cách cân bằng nội tiết tố nữ
Khi phụ nữ gặp các vấn đề về nội tiết tố như kinh nguyệt không đều, triệu chứng mãn kinh, hoặc các rối loạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bác sĩ có thể chỉ định các liệu pháp y tế như:
- Liệu pháp hormone thay thế (HRT - Hormone Replacement Therapy)
- Sử dụng thuốc tránh thai
- Liệu pháp điều trị tuyến giáp
- Thuốc điều hòa hormone khác như: Clomiphene, Metformin,...
6.2 Cách cân bằng nội tiết tố nam
Nam giới thường gặp phải tình trạng mất cân bằng hormone testosterone, đặc biệt là khi có tuổi. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị y tế để điều chỉnh nồng độ testosterone và cải thiện sức khỏe sinh sản, cũng như sức khỏe tổng thể.
Việc sử dụng hormone thay thế có thể giúp cân bằng nồng độ hormone nam trong cơ thể, từ đó giảm thiểu các triệu chứng không mong muốn. Tuy nhiên, việc sử dụng hormone cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Tổng kết
Mất cân bằng nội tiết tố là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi lứa tuổi. Hy vọng rằng, qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây và các giải pháp để cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả để cải thiện cuộc sống.
Đừng quên theo dõi Bestme để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ mỗi ngày nhé!
Thông tin tham khảo:
[1], [2] https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22673-hormonal-imbalance